Tết ở làng cổ

Nếu bạn vô tình (hoặc cố ý) có một số báo Tết dày cộp bìa đỏ tươi của báo Lao Động năm nay thì sẽ thấy một bài tên là Phía chân trời hoa nở (tản văn của Võ Thị Xuân Hà) viết về chính làng quê của tôi nhưng do ai đó viết chứ không phải tôi : )).

Tôi sống ở làng từ khi sinh ra tới khi đỗ đại học thì ra Hà Nội, tới chừng 12 năm sau tôi lại về làng ở. Nằm bên sông Mã, cầu Hàm Rồng, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 4, 5 cây số (là khoảng cách tới trường cấp 3 mà tôi hay lấy làm mốc tính). Bao nhiêu năm ở làng nhưng nhà tôi có hai con đường ra phố, một là đi đường làng, ngõ xóm, hai là đường trên lớn hơn chạy thẳng ra chứ không qua làng. Sau khi thành phố làm đường mới mở rộng hơn, nhà tôi được đền bù đất rồi bán đất cũng xây cất được ngôi nhà mới mái bằng thay cho nhà mái ngói ba gian xưa (xây từ hồi bố mẹ tôi cưới xong đẻ chị cả tôi). Rồi nhà mới lớn hơn nhưng vườn hẹp lại, tôi đi học cấp 2, cấp 3 toàn đường trên, nhà tôi bịt ngõ xuống làng, trước đó hồi cấp 1 thì tôi hay đi đường làng rủ bạn rủ bè cùng đi và học mẫu giáo ngay trong trường làng. Ngõ xuống làng không còn thành ra tôi rất ít đi vào làng, thi thoảng lắm có việc tôi sẽ sang ngõ nhà bác ruột cách đó vài bước chân nhưng tới nhà bác thì cũng chưa hết ngõ nữa.

Hôm vừa rồi nhà không kịp rượu cúng Tết, mẹ sai tôi đi xuống làng mua ở hàng tạp hóa nhỏ của bác Lài, bác gái ở một mình bao năm nay. Cầm chai rượu rỗng đi qua ngõ nhà bác ruột xuống hỏi mua 1 gù rượu cúng mà tôi nghĩ mình đang đi ngược lại 20 năm trước, cái thời tí hon đi đâu cũng sợ… chó cắn (giờ vẫn sợ), để làm việc sai vặt cho mẹ. Bác Lài nhìn tôi với em gái tầm chục giây thì nhận ra 2 đứa nhỏ ngày xưa giờ đã 20s 30s :)) cười cười xin phép bác về. Nhưng chúng tôi không về ngay mà rảo bước lượn qua phía chợ làng mới dựng để đón khách chơi Tết và ghé ngôi chùa… nằm kế bên nhà tôi có vài chục mét. Trên quãng đường ngắn ngủi từ tiệm bác Lài ra chùa, tôi đi qua chính con ngõ nhỏ ngày xưa nối với nhà tôi, con ngõ có nhà đầu tiên có chó đẻ… hồi tiểu học đã đớp tôi một phát… may không bị dại. Làng tôi cổ thật về tuổi đời nhưng cái cổ hiện hữu thì còn rất ít, có 4 ngõ cổ là Nhân Nghĩa Trí Dũng thì ngõ còn ngõ mất. nếu còn Tết này sẽ được trang trí cờ hoa, quạt giấy đỏ… đơn sơ nhưng cũng đẹp mắt.

Dông dài chuyện ngõ chuyện làng chỉ để kể chuyện ăn Tết làng cổ năm nay. Làng được thành phố chi tiền tổ chức một số hoạt động vui chơi đón Tết. Tôi không rõ lắm, trưởng làng hay đọc loa mỗi tối nhưng loa thì đểu mà nhà tôi thì xa cái loa nên nghe lúc được lúc không. Tôi chỉ biết qua bác ruột là làng làm chợ Tết từ 4.2 đến 14.2 lận. Bác tôi hay quảy gánh hàng đi chợ về hoặc kẹp nách chiếc rổ chiếc liềm đi từ vườn về nhà qua cửa nhà tôi để kể chuyện dưới làng. Kể ra nhà tôi không mấy đi đâu hoặc xuống làng nhưng chuyện to nhỏ gì hỏi bác đều biết : ))

Trước Tết tôi cũng không mặn mà hội chợ với chợ làng gì xất, chỉ quay cuồng một chút với việc chuẩn bị, mua sắm, nấu nướng Tết và công việc cá nhân. Nhưng tới mùng 1, mùng 2 Tết thấy làng có hội mà không đi thì quá phí. Sáng mùng 1 tôi tự xông đất nhà, đi bộ ra quảng trường rồi lội về trong lúc mọi nhà vẫn còn lục đục tỉnh dậy ăn sáng… 8 rưỡi ba mẹ con đi sang chùa chơi, vãn cảnh, gửi chút tiền sau khi bái lạy (mẹ tôi hay gọi là cung tiến tiền đèn, dầu thắp trông coi chùa). Nhà tôi không thờ Phật cũng không theo tôn giáo gì, coi đi chùa như một thú vui ngày Tết – thú vui thanh tịnh tránh ồn ào thôi.

Hồi tôi còn bé, tôi biết chùa có nhưng chẳng mấy người qua, khi đó chùa có một mái thờ nhỏ dưới gốc đa gầy. Ai cũng bảo chùa cổ, nhìn cổ thật vì nó bé xíu, mái xiêu vẹo nhìn như miếu thờ bị bỏ quên, sân chùa được trưng dụng làm sân hợp tác xã. Hồi bé tôi hay đi qua vì bác ruột khác của tôi làm ở hợp tác xã ấy, mà chính sân đó là sân tôi tập đạp xe. Mãi sau này khi tôi đi học đại học, rời làng đi xa sống thì một Tết về thấy đã được bên nào đầu tư xây dựng lại. Hợp tác xã đã tan từ lâu, sân chùa trống vắng người làng hay mang thóc gạo, rơm rạ ra phơi mỗi hè. Tôi biết có bên đến xây và sau này (bây giờ) chùa sẽ lớn lắm chính là vì hồi đó có tấm biển vẽ bản thiết kế chùa mới xây trên nền chùa cũ.

Bữa đi chùa mùng 1 cũng như thước phim quay lại thuở thiếu thời, cũng mùng 1 cũng là đi chùa với mẹ, hồi đó đi chùa cạnh nhà vào mùng 1 lần đầu tiên. Đi về lòng tôi thấy tịnh lắm, không gian chùa có đổi thay nhưng lòng người lại thấy như không có bao năm từng trôi qua, cũng là một sáng mùng 1 còn rất sớm vì chưa ai tới chùa trước mẹ con tôi. Chỉ khác là năm xưa tôi gặp thầy chùa lần đầu, thấy người nhà Phật lần đầu, mẹ tôi xin quẻ xin bùa lần đầu…

Mùng 2 bạn tôi qua chơi rồi chúng tôi kéo nhau đi chợ làng mới hay rằng đang chuẩn bị có múa rối nước. Kỳ thực xem múa rối nơi khác thì đã từng nhưng xem ở làng mình sinh ra nó lạ lắm. Trẻ em vây quanh, người già ngồi ghế, người trẻ nhấp nhổm đứng quay chụp điện thoại… tất cả đều tò mò háo hức chờ xem từng màn múa rối. Loại hình nghệ thuật dân dã về với làng cổ thì còn gì hợp hơn. Múa rồng phun nước, múa lân tung tăng, đua thuyền, chọi trâu, phượng hoàng, chú Tễu đủ cả chỉ trong chưa đầy một tiếng. Khoảng sân nhỏ với chiếc ao tí hon làm sân khấu diễn rối nước mà khiến những con người ngày thường bon chen, bươn bả kiếm từng đồng tiền đến ngày này có được nụ cười vô tư lạ lùng. Chụp vài tấm hình lưu niệm vui vui ở mấy lều chợ, lượn vòng lại chùa ngắm mấy góc hoa xinh rồi tôi dẫn bạn đi trên con đường làng tôi để ra động.

Động xưa mở khách tự do vào, sau thu phí 30k, giờ thu tới 50k. Động là chốn vui chơi của lũ trẻ chăn trâu bò xưa, giờ biến thành điểm hút khách của làng tôi mỗi dịp lễ Tết nên tôi ít vào. Lần gần nhất tôi đến chắc đã gần chục năm trước. Cũng không hiểu sao hồi xưa tôi tiếc tiền vé vào đây, còn mấy nơi xa xôi đi du lịch khám phá thì tôi chẳng tiếc. Có lẽ là quen rồi nên tôi bỏ qua, cho tới Tết này khi tôi về hẳn nhà ở. Tôi tung tăng đúng nghĩa : )) đi chỗ này chỗ kia trong khu động để chụp ảnh cho bạn, cho em. Phăm phăm leo lên dốc núi rồi hăm hở bước vào động, bên ngoài tiết trời Tết mà ấm nóng đến lúc vào động mát rượi, không gian lạnh lạnh trong động len vào da đầu, da mặt. Đi xuống động 2, rồi lần đường qua động 3, nhìn ngắm xung quanh những đổi thay chừng ấy năm, đi lại vẫn động cũ mà tôi thấy mình như đứa trẻ cấp 2, cấp 3 xưa :)) vẫn thấy mình quá bé nhỏ dù ở chính nơi mình sống chiếm gần 20 năm cuộc đời.

Đi xong động thì chiều tôi rủ bạn đi thiền viện, lúc này thiền viện đã đông khách nhưng lòng vòng sao chúng tôi lại tìm ra một đoạn đường nhỏ tĩnh lặng, cây xanh rì vút cao và cỏ mơn mởn mọc dưới chân. Tối về kéo mãi rồi mẹ cũng đi với tôi xem văn nghệ làng, chương trình của thành phố làm, chủ yếu là các đội văn nghệ quần chúng của những phố thuộc phường tôi vào diễn. Ngồi xem cạnh cô hàng xóm, mẹ tôi chăm chú xem, ngồi nhìn coi là cô nào, bác nào đang múa trên kia. Có tiết mục thấy cả chị họ tôi diễn, đứng ngồi xem một hồi tôi nhìn ra những người bà con quen biết của mình rồi chỉ cho mẹ biết.

Cảnh đi xem văn nghệ làng này lại làm tôi nhớ lại rằng cũng có một lần khi bé mẹ dẫn tôi đi nghe nhạc ở sân hợp tác xã (aka sân chùa). Tôi không còn là con bé tí hon cần mẹ bế mẹ bồng hoặc kiếm ghế đứng lên mới thấy được sân khấu nữa. Mà cái cảm giác này vẫn bồi hồi. Mẹ cứ bảo rằng tại tôi nài bà mới đi đấy chứ chân đau quá đi đứng lâu rất ngại. Nhưng đi về tôi thấy mẹ vui, một niềm vui đơn sơ rất thuần. Nhà tôi chưa đứa con gái nào chịu lập gia đình, bị nhắc mãi nghĩ ngợi mãi, ngày Tết này lại là dịp giỗ đầu chị tôi nên hay buồn vui lẫn lộn. Thi thoảng lắm khi thấy một niềm vui như thế ở mẹ, tôi nhẹ lòng chốc lát vì nghĩ biết đâu mẹ quên đi nỗi buồn đó dù là ít phút ít giờ.

Nhân tiện nhắc lại, nếu có vô tình hoặc cố ý thấy số báo Tết Lao Động năm nay, bạn có thể đọc cả bài của tôi viết về nỗi nhớ đồ ăn Việt mỗi khi đi ra khỏi đường biên giới.

Và làng tôi là làng cổ Đông Sơn, vẫn còn khu khảo cổ di chỉ Đông Sơn. Thực ra vùng tìm ra các di chỉ khảo cổ của văn hóa Đông Sơn còn mấy chỗ nữa, làng tôi là một trong đó thôi.

2 thoughts on “Tết ở làng cổ

Add yours

  1. “Nhân tiện nhắc lại, nếu có vô tình hoặc cố ý thấy số báo Tết Lao Động năm nay, bạn có thể đọc cả bài của tôi viết về nỗi nhớ đồ ăn Việt mỗi khi đi ra khỏi đường biên giới.”
    Tôi đã đọc :)))

Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.

Up ↑